Gốm Bát Tràng không phải tự dưng mà bao đời nay được người ta say mê, ưa chuộng đến vậy. Thứ nghệ thuật nhào nặn từ đất, nung qua lửa và tạo tác bởi bàn tay tài hoa của con người, tựa như sự hòa hợp trọn vẹn giữa con người với thiên nhiên và cội nguồn sự sống vậy.
Trong các men gốm Bát Tràng được sử dụng đầu tiên phải kể đến là men nâu, sắc độ màu của men phụ thuộc nhiều vào xương gốm. Xương gốm Bát tràng dày và thường có màu nâu xám. Trên các đồ gốm có niên đại thế kỉ 14 đầu thế kỉ 15, men nâu được dùng tô lên các đồ án trang trí kết hợp với men nền màu trắng ngà bao gồm chân đèn, thạp, chậu, âu, đĩa…Men nâu có sắc độ đỏ nâu hay gọi là màu bã trầu, men này không bóng, trên bề mặt men thường có vết sần. Men nâu còn được dùng phủ toàn bộ rồi cạo bỏ phần men tạo thành đồ án hoa văn mộc. Thế kỉ 14, thợ gốm Bát Tràng đã biết hạn chế sự ảnh hưởng màu men nâu do mộc bằng cách vẽ men nâu trên lớp men trắng ngà để chuyển men nâu đỏ sang vàng nâu.
Trong các loại hình của nhóm đồ gốm men nhiều mầu thế kỉ 16–17, men nâu được dùng xen lẫn với men ngọc, men ngà, tạo ra các sắc độ khác nhau. Men nâu giữ vị trí các đường chỉ chia băng, tô lên hoa sen hoặc các hình rồng, đối với lư hương chữ nhật men nâu tô lên phần chân đế…
Đây là một loại men gốm Bát Tràng độc đáo tạo ra do sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men. Cho đến nay các tài liệu gốm men cổ ở Việt Nam xác nhận mang men rạn chỉ được sản xuất tại lò gốm Bát Tràng từ khoảng cuối thế kỉ 16 và kéo dài tới đầu thế kỉ 20.
Men rạn có sắc ngà xám các vết rạn chạy dọc và ngang chia ra nhiều hình tam giác, tứ giác nhỏ. Cặp chân đèn do “Đỗ phủ xã Bát Tràng” tạo tạo khoảng năm 1600 – 1618, trong đó men rạn phủ toàn bộ từ miệng tới chân, có màu vàng ngà, rạn trong men, đường chỉ rạn màu đen. Những cặp hiện vật men rạn này đều có trang trí nổi. Ngoài men rạn ra không còn loại men nào khác, đó là những tiêu bản men rạn chuẩn mực của Bát Tràng vào thế kỉ 17.
Thế kỉ 18 Bát Tràng còn sản xuất nhiều đồ gốm men rạn có ghi niên đại. Đỉnh gốm men rạn chế tạo năm 1736, men rạn có màu trắng xám. Một đỉnh gốm men rạn khác, có nắp, thân và đế, chế tạo vào khoảng năm 1740 – 1768 lại dùng men rạn có màu vàng ngà… Men rạn còn được sử dụng trên các sản phẩm như: chân nến trúc hoá long; ấm có nắp, đài thờ các nắp, cặp tượng nghê.
Thế kỉ 19, các đồ gốm dòng men rạn còn tiếp tục phát triển, bên cạnh việc sử dụng kết hợp men rạn với trang trí vẽ hoa lam, men nâu. Trên các đồ gốm, thợ Bát Tràng còn đắp nổi, khắc chìm hoặc không trang trí, men rạn có màu trắng xám.
Đây là loại men trắng, nhiều trường hợp ngả màu vàng ngà, bóng khi nhiệt độ nung đạt độ cao nhưng cũng nhiều trường hợp có màu trắng xám, trắng sữa, đục. Cùng với kiểu dáng và trang trí, men trắng ngà cũng tạo nên một nét riêng biệt của đồ men gốm Bát Tràng. Men trắng ngà đã thấy sử dụng phủ lên trang trí men lam hay men nâu, nhưng trong rất nhiều đồ men gốm Bát Tràng chỉ thấy dùng men trắng ngà.
Gốm Bát Tràng thế kỉ 17 đạt đỉnh cao trong kĩ thuật trang trí nổi với hầu hết các thủ pháp kĩ thuật chạm trổ, dán ghép. Men trắng ngà được sử dụng trên các lư hương để phủ trên các rìa, ức và đường viền ngoài phần trang trí nổi, rất ít khi phủ lên hình trang trí. Vì men trắng mỏng, xương gốm được lọc luyện kĩ và độ nung cao nên có chất lượng tốt, một số sản phẩm men trắng ngà phủ lên trang trí nổi dày vẫn có vết rạn men.
Thế kỉ 18, men trắng ngà còn thấy sử dụng trên một số loại hình khác nhau cùng trang trí nổi để mộc. Những lư hương tròn được đắp nổi hình rồng và mặt nguyệt, phần còn lại phủ men trắng ngà. Vào thế kỉ 19, gốm Bát Tràng chưa mất hẳn kiểu trang trí nổi để mộc, men ngà còn thấy sử dụng trên các loại bình, lọ, lư hương, tượng tròn. Bình gốm có nắp có các hình rồng mây và lục bảo trang trí nổi để mộc, phần còn lại phủ men trắng ngà. Trên các loại bình, lư hương quai tùng, lư hương chữ Thọ; cặp tượng đầu khỉ thân rắn, tượng rồng trang trí kiến trúc, tượng ba đầu, tượng Phật Bà Quan Âm ngồi trên toà sen đều thấy sử dụng men ngà, xám.
Đây là một loại men tinh hoa nghệ thuật làm gốm sứ. Ngày nay, ở làng nghề Bát Tràng vẫn được lưu truyền công thức đã sáng tạo ra được loại gốm đẹp tuyệt vời này. Đúng như tên gọi của nó, đích thực đây là loại men thay đổi màu sắc tùy thuộc vào nhiệt độ nung.
Nhờ những sự tương tác hóa học mà tạo ra những màu gốm men trên các sản phẩm. Ngoài ra màu sắc tự nhiên còn tùy thuộc vào nhiệt độ của lửa nung. Qua đó ta có thể khẳng định, màu sắc của dòng men này chính là một nghệ thuật. Không phải là màu nhân tạo pha chế nên.
Để tạo ra được chất men này, đòi hỏi sự khéo léo trong việc điều chỉnh nhiệt độ nung là yếu tố quan trọng. Mỗi nhiệt độ khác nhau sẽ tạo ra một lớp men có màu riêng biệt. Do đó, những sản phẩm của làng gốm Bát Tràng được phủ men và nung ở nhiều tầng nhiệt độ khác nhau. Từ đó, có thể cho ra đời những dòng sản phẩm gốm men hỏa nhiệt đa dạng và tinh tế.
Copyright 2024 © Ho Guom Ceramics. All Rights Reserved.